Kỹ thuật lái xe ô tô lên dốc, xuống dốc an toàn
Trên thị trường hiện nay có hai loại xe ô tô được sử dụng nhiều nhất là: xe số sàn và xe số tự động. Tuy nhiên, mỗi loại xe sẽ có ưu điểm, nhược điểm và kỹ thuật lái khác nhau. Vậy cách để lái xe lên dốc, xuống dốc dễ dàng và an toàn nhất là gì? Mời bạn đọc cùng Vietmap tìm hiểu chi tiết về kỹ thuật lái xe ô tô lên dốc qua bài viết dưới đây.
I. Kỹ thuật lái xe lên/xuống dốc bằng xe số sàn
1. Cách lên dốc bằng xe số sàn
-
Bước 1: Tăng tốc đều cho đến khi gần chân dốc
Bạn nên cho xe tăng tốc từ từ đến gần chân dốc nhằm tạo đà giúp xe lên dốc dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bạn vẫn phải chú ý duy trì tốc độ an toàn, chỉ tăng tốc nhẹ và đều, không nhấn mạnh chân ga, nhất là khi lái xe trên đường trơn.
-
Bước 2: Đạp chân côn và chuyển dần sang số thấp
Khi gần đến chân dốc, bạn nhả nhẹ bàn ga rồi đạp chân côn sao cho xe lần lượt chuyển về các số thấp hơn. Vòng tua máy sẽ giảm khi nhả ga để sang số, do đó bạn cần lưu ý canh vòng tua máy và tốc độ xe phù hợp với số định chuyển.
-
Bước 3: Nhả côn từ từ và đệm ga
Sau khi đã chuyển xe sang số thấp, bạn hãy nhả chân côn từ từ và đệm chân ga. Bạn cần đệm ga mạnh hơn để cân bằng vòng tua máy với tốc độ xe (vòng tua máy sẽ giảm khi xe ở số thấp).
-
Bước 4: Chuyển về số 1 hoặc 2 khi đề pa leo dốc
Tuỳ theo độ nghiêng của con dốc mà bạn sẽ chọn leo dốc bằng số 1 hoặc số 2. Với những con dốc thoải, bạn có thể đi bằng số 3. Khi bắt đầu đề pa lên dốc xe số sàn, bạn cần nhả ga, đạp côn và chuyển về số phù hợp. Sau đó từ từ nhả chân côn, đệm mạnh chân ga để xe tiến lên dốc.
-
Bước 5: Chuyển về số thấp hơn nếu xe bị hụt ga
Nếu bạn đang lên dốc mà thấy xe bị hụt ga thì có thể do bạn đã chọn sai số khi lên dốc, dẫn đến lực kéo không đủ. Để tránh khiến xe bị nóng máy và chết máy giữa đường, bạn hãy đạp côn rồi chuyển sang số thấp hơn, sau đó nhả côn và đệm mạnh chân ga.
2. Kỹ thuật đề pa ngang dốc
-
Dùng phanh tay
Cách này tận dụng lực hãm của phanh tay nên người lái không cần phải đạp phanh chân. Khi đề pa xe trên dốc, bạn cứ thực hiện các bước như bình thường: đạp côn, vào số, từ từ nhả côn và đệm ga.
Trong lúc nhả côn, nếu thấy vô lăng và cần số hơi rung (do côn đã chạm nhau) thì nhả phanh tay. Khi đó, xe đã được đệm ga sẵn nên sẽ không bị tụt xuống dù không đạp chân phanh. Kỹ thuật đề pa ngang dốc khá đơn giản phù hợp với người mới.
-
Điều khiển phanh, ga bằng mũi chân và gót chân phải
Kỹ thuật này sẽ phù hợp với những người có kinh nghiệm, vì có thể cùng lúc sử dụng mũi chân phải để đạp phanh và gót chân phải để đạp ga. Với cách thực hiện như sau:
Đầu tiên bạn đạp côn, vào số để khởi động xe như bình thường. Tiếp theo, bạn đạp phanh để nhả phanh tay, mũi chân phải nhấn bàn đạp phanh, đồng thời xoay gót chân phải sang bàn đạp ga. Trong lúc nhả chân côn, gót chân phải bắt đầu đệm ga. Sau đó, nhả mũi chân phải khỏi bàn đạp phanh và đạp ga để xe leo lên dốc.
-
Từ từ nhả phanh khi đến điểm côn
Cách này hơi khó và đòi hỏi cần có nhiều kinh nghiệm trong việc nhận biết điểm côn. Đầu tiên, bạn đạp côn, vào số để khởi động xe. Sau đó, chân trái đạp côn, chân phải đạp phanh chân để nhả phanh tay.
Tiếp đến, chân trái từ từ nhả côn để dò điểm côn, đến khi thấy vô lăng và cần số rung lên thì chân phải nhả phanh chuyển sang đệm ga. Cuối cùng, chân trái từ từ nhả hết chân côn, đồng thời chân phải đạp ga mạnh hơn để xe tiến lên.
3. Kỹ thuật xuống dốc
Khi xe gần đến đỉnh dốc thì bạn bắt đầu giảm tốc độ và cho xe dần dần chuyển sang các số thấp hơn. Bạn nên linh hoạt chọn số theo từng tình huống, với số càng nhỏ thì độ hãm càng lớn và tốc độ càng chậm.
II. Kỹ thuật lái xe lên/xuống dốc bằng xe số tự động
1. Kỹ thuật lên dốc
Cách lái xe số tự động sẽ đơn giản hơn xe số sàn, bởi xe đã tự động tính toán chuyển số nào thì phù hợp cho người lái. Khi lên dốc, cần số để ở chế độ D (Drive – số tiến) rồi lái như bình thường.
Khi gần đến chân dốc, bạn cần tăng tốc từ từ để tạo đà. Còn khi lên dốc, lực đạp ga sẽ tuỳ theo độ đứng của con dốc. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý tránh đạp ga quá mạnh vì dễ làm xe bị giật, phóng nhanh nguy hiểm và cũng không đạp ga quá yếu khiến xe không đủ mạnh để leo lên dốc. Trường hợp dốc đứng và xe tải nặng, người lái muốn kiểm soát xe tốt hơn thì có thể chuyển xe về chế độ số tay.
2. Kỹ thuật đề pa ngang dốc
Đầu tiên bạn đạp phanh, khởi động xe và nhả phanh tay. Tiếp theo, bạn cần chuyển số về D, nhả chân phanh và chuyển sang đạp ga để xe từ từ tiến lên. Xe hộp số tự động thường sẽ tự hãm xe trong 2 – 3 giây nên rất ít khi bị tụt dốc nhanh và cũng không gây chết máy. Chỉ cần bạn nhả phanh, đạp ga là xe sẽ tiến lên phía trước.
3. Kỹ thuật xuống dốc
Khi xuống dốc, bạn nên sử dụng chế độ chuyển số tay. Bởi khi đó, người lái sẽ chủ động hơn trong việc kiểm soát tốc độ xe và hạn chế sử dụng phanh nhiều. Tuỳ theo độ đứng của con dốc mà chọn chế độ số tay cho phù hợp, dốc càng đứng thì chọn số càng thấp. Trong trường hợp đã chuyển về số thấp mà tốc độ xe vẫn nhanh, bạn muốn rà phanh thì hãy chuyển về số thấp hơn nữa.
III. Cách đỗ xe trên những đoạn đường dốc
Khi đỗ xe trên đường dốc, bạn cần lưu ý không đỗ ở khúc cua, đoạn đường hẹp, chỗ bị khuất tầm nhìn,… mà hãy chọn những nơi đỗ càng xa đường xe chạy càng tốt.
-
Nếu đỗ xe lên dốc có vỉa hè: bạn cần cho xe cách lề khoảng 20 – 30 cm. Sau đó, đánh vô lăng sang trái, cho xe lùi từ từ để bánh trước chèn lên bệ đường và không cần trả thẳng lái.
-
Nếu đỗ xe lên dốc không có vỉa hè: bạn cần đưa xe về vị trí đỗ song song với mép đường. Sau đó, đánh lái sang phải để lốp xe trước hướng ra ngoài, phòng trường hợp nếu xe bị tụt xuống thì bánh trước cũng lăn vào trong lề.
-
Nếu đỗ xe xuống dốc có/không có vỉa hè: bạn nên đánh vô lăng về bên phải để lốp trước hướng ra ngoài đường hoặc đỗ cho bánh xe chèn vào gờ cao.
Sau khi đỗ xe số tự động xong thì phanh tay, về P và tắt máy. Còn với xe hộp số sàn thì về số 1 và kết hợp phanh tay. Để an toàn hơn, bạn có thể chèn vào bánh xe cục đá, cục gạch hoặc thanh gỗ.
IV. Kinh nghiệm lái xe lên/xuống dốc cao
-
Chỉ xuống dốc bằng số thấp
Khi xuống dốc, xe chịu lực quán tính rất lớn nên tốc độ sẽ nhanh hơn. Do đó, xuống dốc bằng số thấp sẽ giúp người lái dễ dàng kiểm soát tốc độ xe và không cần sử dụng phanh quá nhiều.
-
Không rà phanh
Khi xe xuống dốc, lực quán tính lớn sẽ khiến hệ thống phanh chịu áp lực cao. Nếu rà phanh liên tục thì phanh sẽ bị nóng, má phanh và đĩa phanh bị mòn, bị cháy, phanh không ăn.
-
Giữ khoảng cách an toàn
Bạn cần giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước tầm 4 – 10 giây. Khi leo dốc, tuyệt đối không bám sát đuôi xe phía trước để dễ xử lý các tình huống bất ngờ.
-
Không nên vượt xe khi leo dốc
Trong Luật Giao quy định, bạn không được phép vượt xe khi ở đầu dốc, vì vị trí tầm nhìn hạn chế và đường không đảm bảo an toàn để vượt.
-
Nên tắt các thiết bị không cần thiết
Trong trường hợp xe tải nặng, để tránh xe bị hụt ga và mất đà giữa chừng, bạn nên tắt các thiết bị điện không cần thiết trên xe như: điều hoà, màn hình xe, loa,… để giảm tải cho động cơ và tránh nóng máy.
-
Nhường đường cho xe lên dốc
Theo quy định trong Luật Giao thông đường bộ, xe xuống dốc phải nhường đường cho xe lên dốc, vì xe lên dốc cần nhiều đà hơn còn xe xuống dốc chỉ cần kiểm soát tốt tốc độ bằng hộp số và phanh.
Bài viết trên đây đã chia sẻ đến bạn đọc những kinh nghiệm lái xe số sàn và xe số tự động lên dốc, xuống dốc an toàn và không gây hại cho máy. Hy vọng với những thông tin hữu ích trên, Hy vọng sẽ giúp bạn lái xe an toàn và hiệu quả hơn trên mọi nẻo đường.
Tin Công trình tiêu biểu khác
Cách đi xe an toàn qua chỗ ngập nước
Những điều nên biết khi lái xe mùa mưa
Kinh nghiệm cơ bản khi mới học lái xe hơi
Một số bí kíp giúp lái xe an toàn
Mách bạn kỹ thuật đánh lái khi lùi xe ô tô đơn giản
Tư thế ngồi đúng chuẩn khi lái xe ô tô
Kinh nghiệm lái xe đường dài mà bạn nên biết
Kinh nghiệm lái xe an toàn và xử lý tốt tình huống cho tài xế
5 Kinh nghiệm lái xe an toàn