Hotline

3 cách đơn giản để kiểm tra lỗi hệ thống âm thanh gia đình

Phối ghép một hệ thống âm thanh hoàn thiện có lẽ là điều mà khá nhiều người nghĩ là rất phức tạp và mất thời gian, thêm vào đó còn là công đoạn bảo trì và khắc phục khi xảy ra các lỗi vặt. Thật ra thì phần lớn các lỗi phát sinh của hệ thống âm thanh gia đình đều có thể được kiểm tra và khắc phục dễ dàng bởi chính người dùng. Các bước thực hiện cũng rất nhanh chóng chứ không hề phức tạp hay đòi hỏi nhiều kỹ năng chuyên sâu, mà sâu thì đã có hãng lo.

Sau đây là 3 bước đơn giản để có thể kiểm tra và khắc phục lỗi hệ thống âm thanh gia đình:

Nếu âm thanh chỉ phát ra từ 1 bên loa, bạn có thể kiểm tra các đầu dây có bị lỏng hay không. Chiếc loa khi phát âm thanh sẽ tạo ra rung động và lâu ngày có thể làm lỏng đầu cắm cũng là chuyện dễ hiểu, nhất là với đầu dây loa càng cua (spade). Ngoài ra đầu cắm cũng có thể bám bụi khiến tiếp xúc không tốt.

Trường hợp thứ hai là tiếng bass bị trôi ra 2 góc phòng chứ không tập trung ở giữa, khi ngồi nghe ở vị trí giữa 2 loa ta không nghe được tiếng bass nên dễ lầm tưởng là loa woofer bị hư, xong rồi lo sốt vó lên, hoặc … cứ chịu khổ mà nghe. Trong trường hợp này các bạn chỉ cần kiểm tra lại cực của dây loa từ thiết bị phát, amplifier đến loa có đúng chiều đỏ đỏ - đen đen chưa. Cắm sai một kênh loa cũng làm sai phase và từ đó làm mất bass.

Nếu lỗi không phát sinh từ dây dẫn thì thường là sẽ từ chính chiếc loa. Bạn có thể kiểm tra mỗi bên loa xem có tiếng rè hoặc ù hay không (lỗi voice coil), đồng thời để ý chóp loa có bị sờn, rách hay biến dạng không. Nếu bên ngoài không có hiện tượng hư hại gì thì có thể bị cháy mạch hay đứt dây bên trong.

Một cách nhanh nhất là đổi 2 bên loa với nhau để xem lỗi tiếng từ bên loa đó hay từ phía nguồn phát. Ta chỉ cắm 1 loa bên trái, bỏ bên phải. Sau đó phát nhạc, nếu 2 loa nghe y như nhau thì loa hoàn toàn bình thường. Lỗi xì xẹt, chập tắt có thể đến từ phía nguồn phát. Theo kinh nghiệm thì mình thấy loa là cái khó hư nhất. Còn thiết bị phát, amplifier đã xác định được hư rồi thì tốt nhất là gọi thợ, gọi hãng, đừng đoán mò rồi tự sửa.

Các chân cắm trên thiết bị khi sử dụng lâu ngày có thể bị rỉ sét và làm tiếp xúc không ổn định. Trong trường hợp này bạn có thể tự hàn lại các chân cắm mới hoặc yêu cầu dịch vụ bảo hành hay sửa chữa từ hãng hoặc người có chuyên môn. Lưu ý rằng chỉ tự sửa chữa khi bạn có kiến thức để tránh làm hư hỏng thêm.